Tỉnh Đăk Lăk ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với bạch hầu trong hôm nay, nâng tổng số bệnh nhân lên 12 người tại huyện M’Drăk, huyện Krông Bông, huyện Lăk 1, huyện Cư Mgar.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu ở huyện Lăk
Ở Gia Lai, một bệnh nhân nữ hơn 5 tuổi được xác nhận dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân cư trú tại xã Ia O, huyện Ia Grai.
Như vậy, tính đến ngày 16/7, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ổ dịch bạch hầu với 24 ca dương tính tại 4 xã của 2 huyện Đak Đoa và Ia Grai (huyện Đak Đoa có 23 ca, huyện Ia Grai có 1 ca). Tỉnh này có một ca tử vong do bạch hầu.
Tỉnh Kon Tum ghi nhận tổng cộng 27 ca dương tính bạch hầu, trong đó thành phố Kon Tum 2 ca, huyện Đăk Hà 2 ca, huyện Đăk Tô 9 ca, huyện Sa Thầy 14 ca, với 13 ổ dịch (6 ổ dịch đang hoạt động).
Chỉ trong 7 tháng đầu năm, Tây Nguyên ghi nhận 93 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong. Đăk Nông 30 ca, Kon Tum 27 ca, Gia Lai 24 ca và Đăk Lăk 12.
Lãnh đạo khoa Bệnh Nhiệt đới, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các chuyên gia cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã đến huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum.Đoàn đã phối hợp cùng Trung tâm y tế huyện đi thực tế tại huyện Đắk Tô.
Theo đó, huyện có 9 xã nhưng có 4 thôn thuộc 2 xã có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Trong đó có 5 bệnh nhân có triệu chứng được cách ly điều trị tại TTYT huyện Đắk Tô. Ngoài ra, CDC địa phương cũng tiến hành sàng lọc 200 người tiếp xúc gần, phát hiện 3 trường hợp người lành mang trùng cũng được cách ly điều trị. Hiện 8 bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe ổn định không biến chứng.
Thêm 4 người trong đoàn công dân từ Châu Phi về nước nhiễm COVID-19
Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 trong đoàn công nhân và cán bộ quản lý (219 người) đang làm việc tại Guinea Xích Đạo tiếp tục tăng thêm, hiện là 120 người mắc bệnh (tăng 4 người so với báo cáo trước).
Trong số này có 22 người đang được theo dõi tại 2 bệnh viện, 80 người theo dõi tại khu cách ly và khách sạn, 15 người còn lại vẫn đang xác minh vị trí.
45 người biểu hiện tức ngực, 33 người kèm ho/đau họng, 33 khó thở, 16 người đau đầu, 12 người sốt nhẹ, một người sốt cao. 46 người kèm bệnh mạn tính kèm theo như cao huyết áp, loét dạ dày, tim mạch, viêm phế quản.
Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, công ty chủ quản của 219 công nhân và quản lý này đang phối hợp để sớm đưa công dân về nước.
Do thủ tục đăng ký chuyến bay phức tạp nên đến ngày 3/8 máy bay mới khởi hành đi đón bệnh nhân. Đi cùng đoàn sẽ có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Lào Cai: Ăn cà độc dược, 3 người ngộ độc
Sở Y tế Lào Cai cho biết 11 người trong gia đình ở huyện Văn Bàn, ăn cơm với gà luộc, đậu phụ rán và ngọn cây cà độc dược luộc. Trong bữa, chỉ có ba người ăn ngọn cà độc dược luộc.
30 phút sau ăn, ba người bị buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tê bì chân tay, tê lưỡi, không làm chủ vận động, nói nhảm. Người thân lập tức đưa vào viện cấp cứu.
Hình dạng cây cà độc dược
Nhờ cấp cứu kịp thời, cả ba người đã qua cơn nguy kịch và xuất viện ngày 16/7.
Các bác sĩ cho biết, cà độc dược có thành phần hóa học là alkaloid, có khả năng gây ngộ độc nếu chế biến không đúng cách.
Bình Thuận: Bé gái tử vong sau 3 tháng bị chó cào
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết địa phương vừa ghi nhận một bệnh nhi 8 tuổi tử vong cách đây hai ngày do dương tính với virus dại.
Được biết 3 tháng trước bé bị chó nhà cào trầy xước hai tay nhưng không được tiêm ngừa dại do gia đình nghĩ chó nhà an toàn.
Ngày 12/7, bé bị đau cơ, hôm sau lên cơn co giật, sợ nước, sợ gió nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM ngày 14/7. Tuy nhiên bệnh tình của bé lúc này đã trở nặng do bệnh dại phát nên gia đình đưa cháu về qua đời tại nhà vào tối cùng ngày.